21/01/2008
Công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ tỉnh phú thọ sau 5 năm thực hiện nghị định số 12/2002/NĐ-CP của Chính phủ
Ngày 22/01/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ. Tiếp đó ngày 04/5/2004 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 05/2004/QĐ-BTNMT về việc ban hành Quy chế đăng ký và cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.
Để thực hiện tốt các Văn bản trên ngày 31/8/2004 UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2725/2004/QĐ-UB về việc ban hành quy định một số điểm về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thẩm định, quản lý các công trình - sản phẩm đo đạc và bản đồ; trực tiếp thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt các phương án kỹ thuật và sản phẩm đo đạc lập bản đồ được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 05/2004/QĐ-BTNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thông báo đến các tổ chức, cá nhân đang hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh thuộc địa phương quản lý. Các tổ chức, cá nhân này đã được Sở hướng dẫn làm thủ tục xin đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, đến nay đã có 08 tổ chức đủ điều kiện được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ; 10 tổ chức được Cục Đo đạc và Bản đồ cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Sau khi được xác nhận đăng ký và cấp giấy phép các tổ chức này đã hoạt động theo đúng những nội dung đã được ghi trong bản đăng ký và giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.
Năm 2002 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao 216 mốc địa chính cơ sở trên địa bàn tỉnh cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, từ đó đến nay hàng năm Sở thường xuyên phối hợp với các phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cán bộ địa chính các xã, phường, thị trấn kiểm tra việc xâm hại làm ảnh hưởng đến các mốc toạ độ địa chính chính cơ sở. Năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Cẩm Khê đã tiến hành xử phạt theo Nghị định số 30/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 của Chính phủ một tổ chức trên địa bàn huyện Cẩm Khê xâm hại làm dịch chuyển mốc toạ độ địa chính cơ sở có số hiệu 091488. Qua kiểm tra đến nay đã có 16 mốc mất do bị đào bới, sạt lở và xây dựng các công trình lên trên mốc, Sở đã báo cáo về Cục Đo đạc và Bản đồ xin ý kiến chỉ đạo. Các mốc còn lại hiện tại vẫn tồn tại ngoài thực địa và đã đưa vào khai thác sử dụng 88 mốc.
Thực hiện Quyết định số 2725/2004/QĐ-UB, đến nay các công trình đo đạc lập bản đồ trên địa bàn tỉnh đều được chủ đầu tư lập phương án kỹ thuật và dự toán công trình theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành của nhà nước trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Sở đã tiến hành thẩm định 53 hồ sơ phương án kỹ thuật đo đạc lập bản đồ phục vụ các mục đích quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng...và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các công trình này đều được xây dựng trên Hệ toạ độ VN - 2000 và độ cao nhà nước. Sau khi thi công xong phần lớn các công trình đã được chủ đầu tư báo cáo Sở thẩm định kết quả công trình, sản phẩm đo đạc lập bản đồ. Tuy nhiên còn một số nhỏ công trình chưa được chủ đầu tư lập phương án thi công và không trình Sở thẩm định, dẫn đến thi công sai lệch về hệ toạ độ và độ cao.
Công tác quản lý việc bảo mật, cung cấp, khai thác sử dụng thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ và theo dõi việc xuất bản, phát hành bản đồ tại địa phương được chú trọng. Các tư liệu về đo đạc và bản đồ tỉnh Phú Thọ được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ và Thông tin thuộc Sở gồm các loại tài liệu như: Hồ sơ về mốc toạ độ địa chính cơ sở (216 điểm); bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000 của 274 xã, phường, thị trấn dưới dạng số; bản đồ địa chính gốc (in trên giấy diamat, bồi trên ván và dạng số); bản đồ địa chính chọn thửa (in trên giấy Croky và dạng số) tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000 và các hồ sơ sổ sách liên quan của 143 xã, phường, thị trấn; bản đồ 299 tỷ lệ 1/1.000 sau cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các xã, phường, thị trấn; các loại bản đồ chuyên đề hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất....; bản đồ hành chính cấp tỉnh và 11 huyện, thành, thị; các loại bản đồ địa hình, địa chính phục vụ cho công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng. Việc bảo mật, cung cấp, khai thác sử dụng thông tin các tư liệu đo đạc và bản đồ được thực hiện theo đúng những quy định của nhà nước. Các tổ chức, cá nhân đến khai thác sử dụng thông tin đều phải có giấy giới thiệu của cơ quan quản lý. Việc theo dõi xuất bản, phát hành bản đồ tại địa phương mới chỉ quản lý được loại bản đồ hành chính; các loại bản đồ chuyên đề, chuyên ngành khác việc xuất bản, phát hành còn tự do chưa kiểm soát được.
Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra các hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bản bàn tỉnh, qua kiểm tra đã phát hiện ra những tổ chức chưa đăng ký và chưa có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, Sở đã tiến hành hướng dẫn các tổ chức này làm thủ tục lập hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, ngoài ra còn phát hiện một số công trình chưa thực hiện nghiêm Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia Việt Nam (VN-2000). Công tác thanh tra hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện.
Nhìn chung sau khi có Nghị định số 12/2002/NĐ-CP và các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2725/2004/QĐ-UB, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò quan trọng của công tác đo đạc và bản đồ, nên đã chấp hành các quy trình, quy phạm và các văn bản của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động đo đạc và bản đồ, đến nay công tác này cơ bản đã đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, còn có một số hạn chế là hoạt động đo đạc và bản đồ là một ngành kỹ thuật mọi người ít quan tâm về lĩnh vực này, nên việc phổ biến, đôn đốc chấp hành các văn bản pháp luật về hoạt động đo đạc và bản đồ ít được các các cơ quan quản lý và các địa phương trú trọng, dẫn đến người dân chưa hiểu về tầm quan trọng của hoạt động đo đạc và bản đồ và các dấu mốc đo đạc chưa được bảo vệ như là tài sản quốc gia.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thi hành Nghị định số 12/2002/NĐ-CP và chuẩn bị cơ sở cho việc xây dựng dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 32/2007/CT-TTg, ngày 19/12/2007 nhằm tổ chức tổng kết trong phạm vi cả nước kết quả 06 năm (2002-2007) thực hiện Nghị định, tổng hợp kết quả tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2008. Tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đo đạc và bản đồ để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2010.
Tác giả bài viết: