Đo đạc lập bản đồ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du Bắc bộ có tổng diện tích tự nhiên là 353.330 ha trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp giao cho các nông lâm trường khoảng 43.000 ha bao gồm 11 Công ty nông lâm nghiệp đang quản lý và sử dụng.
Quá trình hình thành và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đã trải qua những giai đoạn khác nhau theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Nhìn chung các Công ty nông lâm nghiệp từ khi thành lập đến nay đều có thay đổi về quy mô diện tích đất đai, nhiệm vụ sản xuất và loại hình tổ chức thông qua việc thực hiện rà soát về ranh giới quỹ đất, đổi mới, sắp xếp và phát triển các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ theo hướng phù hợp với trình độ quản lý và nhu cầu, phương thức quản lý, sử dụng đất của từng nông lâm trường quốc doanh nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội. Mặt khác, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, nhất là nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ngày càng tăng trong khi diện tích đất thuộc các Công ty nông lâm nghiệp tương đối lớn, quá trình thực hiện đổi mới, sắp xếp chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất.
Thực hiện văn bản số 4043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 01/11/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã lập Dự án xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2974/QĐ-UBND ngày 19/11/2013. Sau khi dự án được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chỉ đạo triển khai việc đo đạc cắm mốc ranh giới cho các Công ty Nông lâm nghiệp, kết quả đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cắm mốc ranh giới cho 10/11 Công ty nông lâm nghiệp trong đó: 8 Công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam và 03 Công ty chè thuộc Công ty cổ phần chè Phú Thọ. Ngày 02/7/2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 2773/BTNMT-TCQLĐĐ về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận cho các Công ty nông, lâm nghiệp. Tổng cục Quản lý Đất đai có văn bản số 1513/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 22/10/2015 chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các Công ty nông lâm nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lập điều chỉnh bổ sung Dự án nội dung đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2017 nhằm mục tiêu:
1. Xác định rõ phạm vi sử dụng đất, để quản lý chặt chẽ quỹ đất đã giao, đã cho thuê sử dụng; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai của nông trường, lâm trường quốc doanh, tạo điều kiện sử dụng đất ngày càng có hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
2. Làm cơ sở để đo đạc lập bản đồ địa chính; kiểm kê, thống kê hiện trạng sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của nông, lâm trường quốc doanh, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai đối với nông, lâm trường quốc doanh.
3. Phát hiện các vướng mắc, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh; trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh hiện nay.
4. Là cơ sở pháp lý để các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do việc quản lý đất đai ở một số công ty chưa chặt chẽ, hiệu quả sử dụng đất thấp, nhiều khu vực đất nhỏ lẻ xen lẫn khu vực dân cư, khó xác định được chủ sử dụng do chủ sử dụng ở các địa phương khác, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm giữa các công ty với nhân dân địa phương chưa được giải quyết triệt để, một số hộ gia đình, cá nhân có sự tranh chấp ranh giới với các công ty, hoặc đang sử dụng đất trong ranh giới các công ty thiếu tinh thần hợp tác trong công tác xác định ranh giới sử dụng đất. Địa bàn thi công chủ yếu thuộc khu vực trung du, miền núi, giao thông, thời tiết không thuận lợi nên rất khó khăn trong việc di chuyển máy móc, thiết bị trong quá trình triển khai thực hiện, kinh phí bố trí cho công tác này chưa đảm bảo.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng cho công tác quản lý đất nông, lâm nghiệp của tỉnh và công tác quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả đúng pháp luật. Đề nghị các công ty phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện dự án. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn kinh phí địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để sớm hoàn thành dự án.
Tác giả bài viết: Tạ Hy Cương - Phòng KHTC