image banner
Phát huy truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, những người làm công tác đo đạc và bản đồ Phú Thọ tiếp tục đóng góp xây dựng ngành và xây dựng quê hương
Cùng với chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam với truyền thống lâu đời đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả quan trọng. Bản đồ Việt Nam đã được sử dụng như một công cụ để quản lý đất nước từ năm 1490 thời Hồng Đức nhà Lê.
Năm 1834, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã công bố tấm bản đồ “Đại Nam Nhất thống Toàn đồ”, là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện tương đối chi tiết chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta tại thời điểm đó. Khi thực dân Pháp mới đặt chân đến xâm lược Việt Nam, bộ máy cai trị đã tổ chức ngay cơ quan đo đạc - bản đồ của toàn Đông Dương gọi là Nha Địa dư Đông Dương để xây dựng hệ thống điểm toạ độ và độ cao toàn Đông Dương, xác định hệ quy chiếu cho khu vực, tiến hành bay chụp ảnh máy bay toàn vùng, xây dựng hệ thống bản đồ địa hình phủ trùm tỷ lệ 1/100 000. Đó là những tài liệu dùng để điều tra tài nguyên và khai thác Đông Dương lúc bấy giờ. Ngay sau khi nước nhà giành độc lập, ngày 25/9/1945 cơ quan Bản đồ đầu tiên của nước ta được thành lập, gọi là Phòng Bản đồ Bộ Tổng Tham mưu. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiệm vụ đo đạc và bản đồ của nước ta tập trung phục vụ chủ yếu cho mục đích quân sự. Công tác đo đạc và bản đồ đã góp phần quan trọng cho thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hoà bình lập lại, do vai trò quan trọng của ngành đo đạc và bản đồ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “thống nhất chỉ đạo về công tác đo đạc; tổ chức thực hiện việc đo đạc trong toàn quốc; xuất bản và quản lý các loại bản đồ; nghiên cứu về môn khoa học đo đạc và bản đồ”. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đầu tiên của nước ta. Từ đó đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước:

Năm 1974, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng thành Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước trực thuộc Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ của Cục đã quy định rõ ràng hơn, chủ yếu đã quy định rõ chức năng quản lý nhà nước trong việc ban hành thống nhất tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức các sản phẩm đo đạc - bản đồ và quản lý thống nhất tư liệu đo đạc - bản đồ. Công việc đo đạc - bản đồ chuyên ngành do các bộ, ngành và các địa phương thực hiện.

Từ năm 1991, ngành Đo đạc và Bản đồ nước ta đã bắt đầu quá trình đổi mới công nghệ toàn diện và sâu sắc với định hướng xây dựng một nền khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ hiện đại.

Năm 1994, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước và Tổng cục Quản lý Ruộng đất. Nghị định 34/CP ngày 22/02/1994 của Chính phủ quy định Tổng cục Địa chính là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ trên phạm vị cả nước; ở địa phương thành lập các Sở Địa chính cấp tỉnh, Phòng Địa chính cấp huyện và mỗi xã có 01 đến 02 cán bộ địa chính. Trong giai đoạn này cả nước có tới hơn 12.000 người hoạt động trong các cơ quan đo đạc - bản đồ thuộc khu vực quản lý nhà nước, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Năm 2002, Quốc hội quyết định thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cơ quan có nhiệm vụ thực hiện điều tra cơ bản. Tại Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được thành lập lại trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ năm 2002 đến nay hoạt động đo đạc và bản đồ được thống nhất quản lý nhà nước theo Nghị định 12/2002/NĐ-CP ngày 22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ. Cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ chuyên ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ ở địa phương. Cục Đo đạc và Bản đồ giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, tổ chức triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản trên đất liền, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc quyền quản lý và tài phán của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ ở địa phương.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 10 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ cơ bản và đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Các  bộ Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Giao thông Vận tải đều có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có trung tâm hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ và có gần 100 công ty TNHH và công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cả nước có gần 10.000 người hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
ở tỉnh ta, lực lượng làm công tác đo đạc và bản đồ đã được tổ chức dưới các hình thức: là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở chuyên ngành hoặc các doanh nghiệp tư nhân.

Từ các tổ, nhóm làm công tác Đo đạc bản đồ thuộc các ngành Nông nghiệp, Giao thông, Thuỷ Lợi, Xây Dựng, Công thương nay đã phát triển thành các đội đo đạc, các Trung tâm, công ty cổ phần.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 585 cán bộ làm công tác đo đạc và bản đồ. Trong đó: 423 cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong ngành Tài nguyên và Môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã; 162 cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.

Cho đến nay riêng Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có 4 đơn vị sự nghiệp có tham gia và thực hiện các nhiệm vụ Đo đạc và bản đồ. Các ngành như Xây dựng, Giao Thông, Thuỷ Lợi, Nông nghiệp, Công Thương có 02 Trung tâm và 10 Công ty tham gia thực hiện công tác đo đạc và bản đồ.

Ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên quan tâm tới chất lượng cán bộ, hàng năm cử cán bộ tham gia học tập đào tạo bồi dưỡng ở các trường Đại học, các viện, Trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực Đo đạc và bản đồ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Từ khi có Nghị định số 12/2002/NĐ-CP và Quyết định số 05/2004/QĐ-BTNMT ngày 04/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy chế đăng ký và cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ có hiệu lực, toàn tỉnh có 16 đơn vị  được xác nhận đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ. Trong ðó: 04 đơn vị sự nghiệp trong ngành; 02 đơn vị sự nghiệp ngoài ngành; 10 doanh nghiệp.
Có 14 đơn vị đã được Cục Đo đạc và bản đồ cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Trong đó: 03 đơn vị sự nghiệp trong ngành; 02 đơn vị sự nghiệp ngoài ngành; 09 doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển về tổ chức, nhân lực, Công nghệ đo đạc thành lập bản đồ cũng phát triển từ công nghệ cổ điển đến nay đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại: Công nghệ định vị toàn cầu, lập bản đồ số, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin địa lý phục vụ đa ngành, đa mục tiêu.

Để cụ thể hoá Nghị định số 12/2002/Né-CP phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2725/2004/QĐ-UB, ngày 31/8/2004 quy định một số điểm về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đây là văn bản pháp quy quan trọng, đã góp phần đưa hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. Tiếp theo là các quyết định ban hành các bộ đơn giá sản phẩm đo đạc và bản đồ địa chính, bản đồ địa hình, làm cơ sở cho việc xây dựng các Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc Thiết kế - Dự toán các công trình đo đạc và bản đồ) trong phạm vi toàn tỉnh.

Trong 7 năm thực hiện Nghị định 12/2002/Né-CP của Chính phủ, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 21 văn bản. Trong đó có 10 Quyết định của UBND tỉnh, 11 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tác giả bài viết:  Phan Đình Phùng - Trưởng phòng QL Đo đạc và Bản đồ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.