19/12/2007
Phát huy truyền thống ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam vươn lên tầm cao mới
Sau ngày hòa bình lập lại, do vai trò quan trọng của ngành đo đạc và bản đồ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng.
Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập. Tại Nghị định số 91/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Đo đạc và Bản đồ lại trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 991/QĐ-TTg lấy ngày 14/12 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Qua 48 năm trưởng thành và phát triển, đến nay, Ngành Đo đạc và Bản đồ đã đáp ứng được các yêu cầu về thông tin, tư liệu phục vụ cho quản lý Nhà nước; nhu cầu sử dụng của cộng đồng, nâng cao dân trí. Ngành đã xây dựng được hệ Quy chiếu tọa độ quốc gia hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế, được sử dụng thống nhất trên phạm vi cả nước; hệ thống lưới các điểm tọa độ quốc gia cấp "0", hạng I, hạng II và hạng III (là lưới tọa độ địa chính cơ sở) với hơn 14.000 điểm phủ trùm cả nước (trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 1 điểm gốc tọa độ); hệ thống lưới điểm độ cao quốc gia hạng I, hạng II, hạng III với tổng số khoảng 5.600 điểm được bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông trên phạm vi cả nước; hệ thống ảnh hàng không, vệ tinh các tỷ lệ khác nhau phủ trùm cả nước; hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 thành lập mới phủ trùm cả nước; bản đồ địa hình đáy biển ở tỷ lệ 1/50.000 và 1/10.000 phủ kín một số vùng biển có nhu cầu phát triển kinh tế; hệ thống bản đồ địa chính cơ sở phủ kín toàn bộ đất lâm nghiệp; bản đồ hành chính của cả nước; hệ thống bản đồ phục vụ đàm phán, hoạch định, phân giới, cắm mốc đường biên giới trên đất liền; Atlas quốc gia, Atlas một số vùng địa lý kinh tế, Atlas một số tỉnh, một số tập bản đồ chuyên đề, chuyên ngành...
Lực lượng đo đạc và bản đồ không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức các đơn vị. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 10 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ cơ bản và đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Các Bộ: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Ở 64 tỉnh, thành phố đều có trung tâm hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ với gần 10.000 người.
Năm 1990, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã bắt đầu chương trình đổi mới công nghệ. Sự đổi mới này đã khiến cho Ngành Đo đạc và Bản đồ khởi sắc. Đến năm 2000, công nghệ đo đạc và bản đồ nước ta đã đạt được trình độ ngang tầm khu vực ASEAN, tiếp cận được với mặt bằng công nghệ đo đạc và bản đồ thế giới. Việc trang bị và ứng dụng công nghệ GPS, công nghệ ảnh số, công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin địa lý đã làm nên cuộc cách mạng thực sự trong ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội đang đòi hỏi Ngành Đo đạc và Bản đồ phải đáp ứng thông tin chuyên ngành một cách đầy đủ, chi tiết, chính xác, kịp thời hơn nữa. Đây là giai đoạn Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát triển để vươn lên tầm cao mới. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020. Năm 2008 sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ; xây dựng dự án Luật Đo đạc và bản đồ trình Quốc hội khóa XII.
Trong thời gian tới, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới; hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh tổ chức và hoạt động của ngành; đảm bảo giá trị pháp lý của các loại bản đồ và số liệu đo đạc trong bản đồ; bảo đảm xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu của quản lý Nhà nước về lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hoạt động kinh tế - xã hội... đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin về đo đạc bản đồ cho cộng đồng.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; xây dựng Hệ quy chiếu, lưới điểm tọa độ quốc gia, lưới điểm độ cao quốc gia hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng Hệ quy chiếu, hệ tọa độ phục vụ quốc phòng, an ninh; hoàn chỉnh hệ thống thu nhận thông tin bề mặt đất bằng chụp ảnh từ vệ tinh, máy bay, quang học, sóng radar, sóng laser; tiếp tục nâng cấp công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) phục vụ các mục tiêu định vị và dẫn đường... Hiện chỉnh thường xuyên hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm cả nước; xây dựng hệ thông tin địa lý với nền 1/50.000 của cả nước; thành lập hệ thống bản đồ biển; hoàn chỉnh hệ thống thông tin địa lý quốc gia... là những việc sẽ được quan tâm trong thới gian tới.
Tác giả bài viết: Trần Bạch Giang