24/03/2015
Đo mưa bằng công nghệ viễn thám: Xu hướng mới từ khai thác ảnh vệ tinh
Nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước trong ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ hoạt động ứng phó BĐKH từ thiên tai, Cục Viễn thám quốc gia đang từng bước chiết tách thông số kỹ thuật từ ảnh vệ tinh kết hợp Hệ thống phân tích lũ tích hợp – IFAS để đo lượng mưa dự báo của khu vực nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Dữ liệu mưa là dữ liệu quan trọng trong quy hoạch quản lý tài nguyên nước cũng như giảm thiểu tác động do thiên tai. Do đó, công tác quan trắc mưa có vai trò hết sức quan trọng. Quan trắc mưa hiện nay gồm các phương pháp chính: Phương pháp đo mưa tại chỗ; phương pháp đo mưa bằng hệ thống radar thời tiết; phương pháp đo mưa bằng công nghệ viễn thám. Hai phương pháp đầu tuy có độ chính xác cao nhưng gặp phải khó khăn rất lớn khi đo đạc tại các khu vực hiểm trở, vùng đồi núi và trên biển. Trong khi đó, phương pháp sử dụng công nghệ viễn thám đã, đang được nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ, trở thành công cụ hữu ích trong quản lý tài nguyên nước và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là trong tình hình tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Đặc biệt, phương pháp đo mưa bằng công nghệ viễn thám có thể kết hợp với các mô hình giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai như lũ lụt và hạn hán. Bằng mô hình chiết tách lượng mưa gần thời gian thực bằng công nghệ viễn thám khi kết hợp dữ liệu viễn thám hồng ngoại và dữ liệu viễn thám radar. Đồng thời, việc khai thác sử dụng dữ liệu chiết xuất này cũng được giới thiệu thông qua Hệ thống phân tích lũ tích hợp – IFAS (Integrated Flood Analysis System) để tính toán lượng mưa từ dữ liệu vệ tinh với độ chính xác ngày càng được nâng cao.
Phương pháp xác định lượng mưa gần thời gian thực bằng công nghệ viễn thám kết hợp viễn thám hồng ngoại và viễn thám radar nhằm phục vụ công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt. Mô hình kết hợp có thể ở dạng 2 loại dữ liệu viễn thám hoặc nhiều loại dữ liệu viễn thám khác nhau. Tuy nhiên, Mô hình chiết xuất thông tin lượng mưa gần thời gian thực từ 2 loại dữ liệu vệ thám - MTSAT và TRMM 2A12 của Cục Viễn thám quốc gia với loại ảnh MTSAT với độ phân giải thời gian là 30 phút cho khu vực Bắc bán cầu và 1 giờ cho toàn bộ bán cầu, cho phép giám sát chặt chễ hơn sự di chuyển của bão và các đám mây. Kết quả thu được có thể tính khá chuẩn xác thông tin lượng mưa theo thời gian thực ước tính từ đầu thu TMI gồm có 14 kênh chứa một số các thông số vật lý như: Mây chứa nước, nước mưa, đám mây băng, mưa đá, cường độ mưa trên bề mặt (mm/h), mưa đối lưu… Dữ liệu thu được, bằng các thuật toán khác nhau sẽ xác định lượng mưa sẽ đổ xuống địa điểm nào, đất liền hay đại dương và với lượng mưa là bao nhiêu?
Với những thông tin quan trọng này, kết hợp Hệ thống phân tích lũ lụt IFAS do Nhật Bản xây dựng và phát triển có khả năng xây dựng được hệ thống dự báo và cảnh báo lũ lụt ở các lưu vực sông; phát triển một giao diện xử lý dữ liệu lượng mưa từ ảnh vệ tinh và dữ liệu đo lượng mưa ngoài thực địa ở các trạm sẵn có trong khu vực hoặc toàn cầu để phân tích và dự báo lũ...
Như vậy, sử dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc mưa đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nghiên cứu, giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai. Với việc không phụ thuộc quá lớn vào dữ liệu quan trắc thực địa, kết quả xử lý nhanh chóng, đây đang là một phương pháp tiên tiến cần được nghiên cứu áp dụng hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là trong điều kiện ở nước ta. Đặc biệt, công nghệ viễn thám chiết tách lượng mưa trong thời gian gần có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong cảnh báo thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Nguồn tin: www.monre.gov.vn