image banner
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ chặng đường phía trước
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ và nhân viên Sở Tài nguyên và Môi trường đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, đóng góp một phần vào thắng lợi chung của toàn ngành và của tỉnh. Đó là niềm tự hào của toàn thể cán bộ và nhân viên trong Sở, là hành trang để thế hệ hôm nay và mai sau của ngành tiếp bước xây dựng ngành ngày càng phát triển, lớn mạnh.
Trong thời gian tới, toàn ngành tập trung phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý ngành, cụ thể:
- Lĩnh vực quản lý Đất đai:
Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh; đặc biệt khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, Sở sẽ tham mưu kịp thời các quy định cụ thể hoá để triển khai Luật vào thực tiễn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp Luật Đất đai đến các tổ chức và tầng lớp nhân dân để toàn thể nhân dân hiểu và chấp hành tốt các quy định của Luật Đất đai; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý đất đai các cấp để việc thực thi Luật Đất đai được hiệu quả, đúng pháp luật.
+ Tiếp tục rà soát và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển  kinh tế - xã hội trên địa bàn;
+ Tham mưu chỉ đạo năm 2013 hoàn thành cơ bản cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 30/2012/NQ-QH của Quốc hội khoá XIII; tiếp tục triển khai công tác cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính theo dự án tổng thể về lập hồ sơ địa chính xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2020; thực hiện công tác chỉnh lý biến động đất đai thường xuyên ở các cấp theo đúng quy định;
+ Triển khai tốt dự án điểm về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Yên Lập để xây dựng mô hình điểm về Hệ thống đăng ký đất đai hoàn chỉnh, hiện đại, kết nối trao đổi thông tin với cấp tỉnh làm cơ sở triển khai toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh hiện đại, trao đổi thông tin giữa các cấp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức, công dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;
+ Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; tham mưu chỉ đạo thực hiện việc khai thác, sử dụng quỹ đất của tỉnh thực hiện hiệu quả, tăng thu cho ngân sách các cấp; đảm bảo nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn;
+ Tham gia đề xuất các biện pháp quản lý chặt thị trường bất động sản, tài chính về đất đai, giá đất phù hợp với giai đoạn hiện nay;
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các cấp, các ngành và người sử dụng đất để uốn nắn, xử lý kịp thời những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, góp phần nâng cao kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất. 
- Lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường:
Phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, trong thời gian tới Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tập trung vào những nội dung chính sau:
+ Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về môi trường tới từng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong toàn tỉnh,… tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và từng người dân trong tỉnh trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
+ Không ngừng hoàn thiện quy phạm pháp luật về môi trường, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời chính sách thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;
+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường, tăng cường, đa dạng hoá đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Từng bước hình thành thị trường vốn cho bảo vệ môi trường.
- Lĩnh vực quản lý tài nguyên Nước - KTTV:
Trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh tập trung vào những nội dung chính sau:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn pháp luật về tài nguyên Nước - KTTV và biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức và từng người dân về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nhiệm vụ của chương trình, mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu;
+ Thường xuyên cập nhật, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu tài nguyên Nước - KTTV và biến đổi khí hậu; Thực hiện quy hoạch về tài nguyên nước và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh;
+ Cụ thể hoá các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý tài nguyên Nước - KTTV và biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh công tác cấp phép khai thác nước, sử dụng nước, thường xuyên thanh tra kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở; Bảo vệ an toàn các công trình KTTV.
Thực hiện tốt nội dung Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XI đã đề ra, nhằm ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Phú Thọ thành một tỉnh phát triển bền vững.
- Lĩnh vực Khoáng sản:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cụ thể ở những nội dung chính sau:
+ Nâng cao tính tập trung công nghiệp, hạn chế số lượng cơ sở khai thác nhỏ lẻ, đặc biệt là chế biến cùng một loại khoáng sản nhằm khắc phục những bất lợi do quy mô nhỏ, lẻ của hầu hết các loại khoáng sản trong tỉnh.
+ Khoanh định khu vực có tiềm năng khoáng sản, khu vực phân tán nhỏ lẻ, khu vực đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
+ Tăng cường đầu tư công tác thăm dò đánh giá trữ lượng các khoáng sản kim loại như quặng sắt, chì, kẽm urani… đến 2020, tạo cơ sở lập dự án khả thi đảm bảo tin cậy để đầu tư khai thác.
+ Kết hợp quy mô vừa với quy mô nhỏ, cơ giới hoá, chế biến thô (tuyển) với tinh chế biến (sau tuyển) phù hợp với từng loại khoáng sản trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Tuỳ theo tiềm năng của từng khoáng sản để định hướng xây dựng các cơ sở chế biến độc lập hoặc kết hợp với các tỉnh kề cận cùng xây dựng.
+ Đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nguyên liệu khoáng như talc, asbet, felspat và các khoáng sản khác có giá trị.
+Phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và sử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
- Lĩnh vực quản lý Đo đạc và Bản đồ:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý đồng bộ, hoàn chỉnh theo hướng hiện đại.
+ Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống điểm địa chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sử dụng lâu dài.
+ Tiếp tục đo đạc bản đồ địa chính đối với các địa phương chưa có bản đồ địa chính chính quy và đo lại đối với các địa phương đã có bản đồ địa chính nhưng không đáp ứng nhu cầu sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
+ Tăng cường quản lý chặt chẽ các ấn phẩm về đo đạc - bản đồ các đơn vị đang hoạt động đo đạc - bản đồ trên địa bàn tỉnh.
- Về đầu tư cơ sở vật chất:
Tham mưu, đề xuất để Bộ và UBND tỉnh quan tâm tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất cho Sở và Ngành, trước mắt đảm bảo điều kiện nơi làm việc đáp ứng yêu cầu hoạt động của các chi cục và các đơn vị sự nghiệp; tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật từng bước hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng của Sở và Ngành: Tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Bộ và UBND tỉnh về đầu tư cho các dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thống nhất về mạng thông tin cho ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ” phục vụ quản lý nhà nước của Sở và các đơn vị về thiết bị cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế và các nhu cầu khác của xã hội và cộng đồng trên cơ sở công nghệ hiện đại theo một thiết kế tổng thể, thống nhất; "Đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ" dựa trên việc xây dựng mới, nâng cấp, bổ sung CSDL và hệ thống phần mềm phục vụ cập nhật, quản lý, khai thác dữ liệu ngành TN và MT nhằm tổ chức thực hiện công tác tin học hóa quản lý hành chính nhà nước của Sở; tổ chức các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành trên địa bàn tỉnh; quản trị vận hành hạ tầng kỹ thuật, duy trì hoạt động trang thông tin điện tử, thư viện điện tử, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ. Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích môi trường cho Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ thành "Trung tâm quan trắc và Bảo vệ Môi trường vùng trung  du Bắc Bộ”, với hệ thống trang thiết bị quan trắc cùng các phòng thí nghiệm và kiểm chuẩn môi trường quốc gia tiên tiến, hiện đại, đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IEC 17025) phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Về khoa học công nghệ:
+ Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm xác lập cơ sở khoa học cho các giải pháp về Đo đạc và Bản đồ, quản lý Đất đai, quản lý tài nguyên Khoáng sản, quản lý tài nguyên Nước - Khí tượng thủy văn, bảo vệ Môi trường, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Chủ động nghiên cứu các vấn đề biến đổi khí hậu đặt ra cho Phú Thọ, các kịch bản xảy ra và các giải pháp khắc phục.
+ Chú trọng các nghiên cứu dự báo về ảnh hưởng, tác động, hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan (lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, tăng nhiệt độ không khí...) và đề xuất các giải pháp thích ứng, khắc phục dựa vào hệ sinh thái, thúc đẩy bảo vệ, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, các khu bảo tồn thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
+ Đẩy mạnh triển khai xây dựng và thực hiện dự án về tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ các dự án nâng cấp thiết bị công nghệ chuyên ngành của Sở về lĩnh vực tài nguyên và môi trường...
- Về công tác tổ chức - đào tạo cán bộ:
Để đáp ứng nhu cầu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Sở, Đảng ủy, tập thể Lãnh đạo Sở tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên, triệt để công tác tổ chức cán bộ, rà soát điều chỉnh phương án quy hoạch cán bộ, gắn việc tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 41/2012/ ND-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ. Xây dựng kế hoạch Đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ về công nghệ thông tin, thanh tra chuyên ngành và đo đạc bản đồ. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản các lĩnh vực quản lý nhà nước về TN và MT đều có lực lượng cán bộ công chức có 25% trình độ thạc sỹ, 100% cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ cử nhân cao cấp lý luận chính trị.
Toàn ngành nguyện phát huy cao độ trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết thống nhất cao để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ chính nêu trên. Góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ mà tỉnh Đảng bộ đã đề ra trong thời tới.

Nguồn tin:  Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.