Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ chế đúng đắn, phù hợp với nguyên tắc của thị trường. Thông qua đấu giá đã lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm về quản lý tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản và tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Những cuộc đấu giá “bất thường”
Tháng 11/2023, việc đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu (TP. Hà Nội) cao gấp từ 46 đến 200 lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Trước đó, hồi tháng 8/2023, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã tổ chức công bố đấu giá quyền khai thác 6 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, nhiều mỏ khoáng sản có mức trúng đấu giá cao hơn hàng chục lần so với giá khởi điểm, từ 9,5 đến 42 lần.
Trường hợp tương tự đã xảy ra tại An Giang vào tháng 4/2021, khi tỉnh này tổ chức đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Với trữ lượng 2,37 triệu m3, giá trúng cao hơn 390 lần giá khởi điểm.

Thực hiện kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt, Cục Khoáng sản Việt Nam vừa tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ sắt khu vực Bó Lếch và Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và mỏ cát trắng khu vực Phan Rí II, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Chính phủ, các Bộ, ngành tích cực vào cuộc
Ngay sau sự việc kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác ba mỏ cát tại Hà Nội "có yếu tố bất thường", Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 1087 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau Công điện trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, quyền khai thác khoáng sản là một loại tài sản đặc thù, do đó, việc xác định giá trị và tổ chức thực hiện đấu giá có những điểm riêng, không giống đấu giá các loại tài sản khác, cụ thể đối tượng đấu giá ở đây là quyền khai thác khoáng sản chứ không phải là đấu giá giá trị của mỏ khoáng sản và đối tượng đấu giá cũng có 2 loại là quyền khai thác khoáng sản ở khu vực khoáng sản đã có kết quả thăm dò và chưa có kết quả thăm dò.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ chế đúng đắn, phù hợp với nguyên tắc của thị trường
Vì vậy, Cục Khoáng sản Việt Nam theo thẩm quyền hoặc tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản là quyền khai thác khoáng sản; nâng cao nhận thức về chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, trước các cuộc đấu giá cần phải giải thích rõ với nhà đầu tư rằng đối tượng đấu giá là gì, ngoài nghĩa vụ tiền cấp quyền trúng đấu giá, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật, vẫn phải thực hiện việc đầu tư để khai thác, vận chuyển, chế biến, lưu trữ và tiêu thụ khoáng sản khai thác được để có phương án trả giá phù hợp với trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ của từng mỏ.
Về quản lý, theo quy định của Luật Khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND cấp tỉnh, do đó Cục sẽ tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương. Theo đó, ngoài việc tổ chức đấu giá theo đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan, cần quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định sau khi cấp phép.
Cụ thể như: việc theo dõi, khai báo, thống kê, kiểm kê và kiểm soát sản lượng khai thác thực tế, trữ lượng được phép khai thác, trường hợp khai thác hết trữ lượng được cấp phép mà mỏ vẫn còn trữ lượng thì tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trái phép, không có giấy phép, khai thác vượt ra ngoài ranh giới cấp phép theo quy định, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông, lòng hồ.
Về hoàn thiện khung pháp lý, Cục đang được giao chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, đồng thời cũng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, để tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu giá, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý chung về đấu giá tài sản theo hướng có quy định riêng đối với tài sản đặc thù là quyền khai thác khoáng sản như tăng mức tiền đặt trước; có chế tài cấm các tổ chức, cá nhân bỏ tiền cọc tham gia các cuộc đấu giá tiếp theo, các quy định để giám sát, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác thực tế phù hợp với trữ lượng được cấp phép...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Khoáng sản Việt Nam đang tham mưu Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư thành lập Đoàn kiểm tra công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số địa phương, trọng tâm là những địa phương có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, nhằm kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới; không để xảy ra tình trạng lợi dụng sơ hở để trục lợi, lợi ích nhóm, lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; trường hợp phát hiện có sai phạm sẽ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. |