image banner
Công nghiệp khai khoáng tỉnh Phú Thọ 10 năm phát triển và trưởng thành.
Phú Thọ không phải là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng khá phong phú về chủng loại. Theo tài liệu hiện có, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 284 mỏ, điểm quặng và biểu hiện khoáng sản, bao gồm 37 loại thuộc các nhóm sau: Khoáng sản nhiên liệu có than đá, than nâu; Khoáng sản kim loại có, chì - kẽm, vàng; phóng xạ có Uran,-Thori;  Khoáng chất công nghiệp có barit, photsphorit, pyrit, serpentin, than bùn và vermiculit; Nguyên liệu gốm sứ, thuỷ tinh có dolomit, felspat, quarzit, kaolin, disten, silimanit, talc, asbest; Nguyên liệu kỹ thuật và các Nguyên liệu khác có graphit, mica, silic, granat; Đá quí-bán quí có coridon-spinel và berin; Khoáng sản làm vật liệu xây dựng có đá vôi xi măng, sét xi măng, đá silic, puzơlan, sét gạch ngói, cuội, sỏi và cát xây dựng; nước khoáng - nước nóng.
Trước năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động khai thác chế biến khonág sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiến hành chủ yếu do các doanh nghiệp Nhà nước. Từ khi có Luật khoáng sản việc khai thác khoáng sản được nhiều thành phần kinh tế tham gia gồm: Doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư  nhân, Công ty cổ phần. Với việc tham gia của nhiều thành phần kinh tế vốn đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó nguồn vốn từ  tư nhân đóng góp một vai trò quan trọng, kèm theo đó là sản lượng khai thác cũng tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như chủng loại. Thời kỳ đầu các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia chủ yếu dưới hình thức tận thu, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp đủ sức đầu tư, mở rộng khai thác chế biến ở qui mô công nghiệp.
            Qua 10 năm thành lập ngành Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã tập trung một đầu mối; hoạt động khai thác đã đạt nhiều thành tựu, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Số lượng các mỏ có triển vọng được thăm dò, khai thác, chế biến ngày một tăng. Số lượng các Doanh nghiệp tham gia công nghiệp khai khoáng ngày càng đa dạng; quy mô hoạt động và đầu tư công nghê, thiết bị ngày càng tiên tiến. Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao; hoạt động khai thác đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Về quy mô doanh nghiệp: Năm 2003 trên địa bàn tỉnh có 33 doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì đến năm 2012 có 128 doanh nghiệp; sản lượng khai thác ngày một tăng  năm 2003 caolin-felspat là 164 000 tấn/năm, đến năm 2012  đạt 518 000 tấn/năm; Khoáng chất công nghiệp năm 2003 là 50 000 tấn/năm đến năm 2012 đạt 135 000 tấn/năm; Quặng sắt 115 000 tấn năm 2003, đến năm 2012 đạt 1 453 000 tấn/năm; đá làm nguyên liệu xi măng năm 2003 là 100 000 tấn/năm, đến năm 2012 đạt 1 985 000 tấn/ năm,  năm 2003 đá làm vật liệu xây dựng thông thường 105 000 tấn/năm, đến năm 2012 khai thác đạt 2713 000 tấn/năm; sét gạch, ngói năm 2003 là 100 000 m3/năm, đến năm 2012 đạt 418 000 m3; cát sỏi lòng sông năm 2003 khai thác được 150 000 m3/năm đến năm 2012 khai thác đạt 1 735 000 m3; nước khoáng nóng giữ nguyên 483 m3/ngày.
            Từ mức giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng 105,064 tỷ đồng vào năm 2003 đến năm 2012 đạt 716,52 tỷ đồng. Đầu tư cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản năm 2003 là 421,8 tỷ đồng đến 2012 là 2.566,792 tỷ đồng trong đó: caolanh-felspat 232,00 tỷ đồng; khoáng chất công nghiệp 28,035 tỷ đồng; quặng sắt: 1.109,8 tỷ đồng; đá 585,11 tỷ đồng; sét làm gạch ngói 283,53 tỷ đồng; cát, sỏi lòng  sông 148,377 tỷ đồng; nước khoáng nóng 180,00 tỷ đồng.
            Thu nộp ngân sách nhà nước năm 2003 đạt khoảng 10,0 tỷ đồng đến năm 2012 đạt 68,732 tỷ đồng, trong đó: Cao lin-fenspat: 36,825 tỷ đồng; Quặng Sắt: 22,422 tỷ đồng, còn lại khoáng sản khác; Đóng góp hỗ trợ địa phương nơi có mỏ đến năm 2012 là 13,8 tỷ đồng, trong đó: Cao lin-Fenspat: 2,641 tỷ đồng, Quặng sắt: 7,96 tỷ đồng. Đóng góp xây dựng, cải tạo bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông khoảng 5,17 tỷ đồng. Đóng góp các qũy an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo số tiền 7,135 tỷ đồng. Các Doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan; chấp hành đầy đủ các quy định của luật khoáng sản, đã nâng cao trách nhiệm của mình tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, chăm lo sức khỏe người lao động, có trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ngày càng được củng cố, tăng cường trên nhiều lĩnh vực.
            Về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong 10 năm qua đã từng bước củng cố, tăng cường và triển khai thực hiện các quy định của luật khoáng sản. Sau 10 năm phát triển và trưởng thành Ngành Tài nguyên và Môi trường đã  tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật: (Quyết định 3258/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 Về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 15/3/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc Quy định về quản lý và khai thác quỹ đất đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ) ngoài ra còn có hàng nghìn văn bản khác; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đúng quy trình, quy phạm của Luật khoáng sản. Triển khai được 7 dự án phục vụ cho công tác quản lý hoạt động khoáng sản, công tác phòng chống thiên tai, công tác bảo vệ môi trường, các Dự án như: (Khảo sát đo đạc xác định khu vực quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 1 năm 2006-2007 và giai đoạn 2 nắm 2010-2011; Khoanh định khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản; Đánh giá môi trường phóng xạ trên địa bàn xã Kim Thượng, Vinh Tiền Huyện Tân Sơn và xã Khả Cửu, Văn Miếu huyện Thanh Sơn tỷ lệ 1/5000; Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng điều kiện địa chất và cảnh báo tai biến địa chất vùng Ninh Dân và khu vực lân cận trên địa bàn huyện Thanh Ba; Điều tra đánh giá hiện trạng tài nguyên, trữ lượng cát sỏi lòng sông Lô). Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản từ năm 2003 trở lại đây đã tiến hành 15 đợt tổng kiểm tra, 24 đợt kiểm tra liên ngành về hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh cát, sỏi trên sông Lô. Ngoài ra, chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng công an tiến hành trên 200 đợt kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm bước đầu đã có hiệu quả, góp phần giữ gìn kỷ cương, phép nước.
            Từ những ưu thế về tiềm năng tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ trong những năm tới tập trung định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh phú Thọ vào những nội dung cơ bản sau:
Đẩy mạnh khai thác, chế biến các loại khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá về chất lượng, trữ lượng; các khoáng sản là thế mạnh của tỉnh như kaolin, felspat, khoáng chất công nghiệp, nâng công suất các khu mỏ đang hoạt động khai thác, chế biến.
Nâng cao tính tập trung công nghiệp, hạn chế số lượng cơ sở khai thác nhỏ lẻ, đặc biệt là chế biến cùng một loại khoáng sản nhằm khắc phục những bất lợi do quy mô nhỏ, lẻ của hầu hết các loại khoáng sản trong tỉnh.
Khoanh định khu vực có tiềm năng khoáng sản, khu vực phân tán nhỏ lẻ, khu vực đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tăng cường đầu tư công tác thăm dò đánh giá trữ lượng các khoáng sản kim loại như quặng sắt, chì, kẽm urani... đến 2020, tạo cơ sở lập dự án khả thi đảm bảo tin cậy để đầu tư khai thác.
            Kết hợp quy mô vừa với quy mô nhỏ, cơ giới hóa, chế biến thô (tuyển) với tinh chế biến (sau tuyển) phù hợp với từng loại khoáng sản trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Tùy theo tiềm năng của từng khoáng sản để định hướng xây dựng các cơ sở chế biến độc lập hoặc kết hợp với các tỉnh kề cận cùng xây dựng.
Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nguyên liệu khoáng như  talc, asbet, felspat và các khoáng sản khác có giá trị.
Phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên toàn tỉnh đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả.

Nguồn tin:  Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trưởng ban biên tập: ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở: Đường Nguyễn Tất Thành , phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 02103.847.911 - Fax: 02103.847.911 - Email: sotnmt@phutho.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Phú Thọ.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 01/GPTTĐT-STTTT ngày 06/01/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.